Năm 2021, gia đình anh Trần Bá Đàn, 43 tuổi, tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá 1,8 tỷ đồng. Vừa đưa vào sử dụng được một năm, gia đình anh Đàn nhận được thông báo ngôi nhà nằm trong diện giải tỏa để nhường đường cho cao tốc Bắc - Nam.

Ngôi nhà của anh Trần Bá Đàn được "thần đèn" di dời đến vị trí mới.

“Vì công trình trọng điểm quốc gia thì mình phải chấp hành giải tỏa thôi, nhưng nói thật là rất tiếc. Vì ngôi nhà là tâm huyết bao năm dành dụm của vợ chồng, giờ mà đập bỏ thì đúng là đau như cắt từng khúc ruột” - anh Đàn tâm sự.

Nhiều đêm suy nghĩ, anh Đàn chợt nhớ đã đọc đâu đó có “thần đèn” di dời được nhà cửa. Anh Đàn lên mạng tìm kiếm và liên hệ được với “thần đèn" tên Tài về di dời ngôi nhà của mình.

Một lợi thế ngôi nhà của anh Đàn là được tái định cư tại chỗ, vị trí mới cách vị trí cũ chừng 50 m. Sau khi nghiên cứu địa hình, địa vật, “thần đèn” Tài ra giá 300 triệu đồng, ngôi nhà sẽ nguyên vẹn đến vị trí mới.

“Quá trình di dời tôi thấy ổn, hiện tại ngôi nhà đã được di dời đến vị trí mới an toàn. Tính toàn bộ chi phí bỏ ra, tôi tiết kiệm được 70% nếu xây ngôi nhà mới” - anh Đàn chia sẻ.

Cả chi phí di dời và nâng móng anh Đàn chỉ phải bỏ ra 300 triệu đồng.

Từ thành công của gia đình anh Đàn, nhiều hộ gia đình ở tổ dân phố Dũng Cảm cũng mạnh dạn thuê “thần đèn” di dời ngôi nhà của mình để nhường mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam.

Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Cường hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2021, hết gần 2 tỷ đồng cũng nằm trong diện giải tỏa. Sau khi khảo sát, “thần đèn” ra giá 500 triệu đồng để di dời ngôi nhà đi 100 m, kèm thêm xoay hướng và nâng độ cao của móng nhà.

Theo ông Cường, việc di dời ngôi nhà đến vị trí mới diễn ra thuận lợi, rút ngắn được thời gian so với chờ đợi khu tái định cư hoàn thành và thời gian chờ xây nhà mới.

Kết cấu ngôi nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng nên ông hài lòng. “Ban đầu tôi cũng không tin tưởng lắm, nhưng phải nói là “thần đèn” đã rất giỏi. Chỉ việc dọn dẹp đồ đạc ra ngoài, còn lại cửa ngõ, mái ngói giữ nguyên vậy mà khi di dời vẫn nguyên vẹn không sứt mẻ” - ông Cường nói.

Ngôi nhà ông Cương sắp hoàn thiện ở vị trí mới.

Đến nay, “thần đèn” đã di dời được 3 ngôi nhà ở tiểu khu Dũng Cảm, thị trấn Nông Trường Việt Trung.

Ông Tài cho biết để di dời một ngôi nhà, trước tiên nhóm thợ của ông sẽ cắt toàn bộ trụ móng, dùng kích thủy lực tôn cao ngôi nhà lên khỏi mặt đất rồi đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào.

Thợ sẽ sử dụng gỗ làm bàn mạt, xếp con lăn vào dưới bàn mạt để thực hiện việc di chuyển ngôi nhà. Nhóm thợ sử dụng máy tuy ô thủy lực để giảm sức kéo của con người, đảm bảo lực kéo đồng đều ở các vị trí.

“Cái khó nhất là phải đảm bảo tuyệt đối chính xác vị trí phần chân của ngôi nhà với phần móng mới sẽ chuyển đến. Trong quá trình kéo, các công nhân phải liên tục gia cố, kiểm tra gỗ chèn dưới các trụ nhà và các con lăn nằm giữa bàn mạt” - ông Tài tiết lộ.

"Thần đèn" dùng các con lăn để di dời ngôi nhà.

Theo “thần đèn” Tài, nếu đập ngôi nhà đi rồi xây lại thì có thể tốn kém nhiều hơn so với mình di dời ngôi nhà. Chi phí hoàn thiện tất cả cho việc di dời ngôi nhà khoảng 30% giá trị xây mới. Căn nhà di dời lâu nhất ở đây mất khoảng 50 ngày, còn lại là 30 ngày và 40 ngày.

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho biết dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần, có chiều dài hơn 126 km.

Dùng máy tuy ô thủy lực để giảm sức kéo cho người.

Để bảo đảm mặt bằng thi công dự án, có 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đạt 99,5 % kế hoạch. Việc thuê “thần đèn” di dời nhà là một sáng kiến, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu nơi ở của người dân.

Hoàng Nam